Ngày 5/7, TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị gặp gỡ Đà Nẵng – Nhật Bản nhằm kết nối hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ thông tin, điện tử, vi mạch và bán dẫn, xúc tiến hợp tác nguồn nhân lực giữa Đà Nẵng và các đối tác Nhật Bản.
>>> Xem thêm: Chương trình Thương hiệu tín nhiệm hàng đầu Châu Á – Asia Top Brand Awards 2024
Nhật Bản dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư tại Đà Nẵng
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin, Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng và TP. Đà Nẵng không ngừng mở rộng và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản.
Đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư trên địa bàn TP. Đà Nẵng với hơn 1,14 tỷ USD cho 261 dự án, hầu hết các dự án hoạt động tốt, đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Nhật Bản ước đạt 650 triệu USD, nhập khẩu từ Nhật Bản ước đạt 350 triệu USD. Trong lĩnh vực du lịch, lượng du khách Nhật Bản đến Đà Nẵng ngày càng tăng, từ 2011 đến 2019 tăng xấp xỉ 22 lần. Tính riêng năm 2023, khách du lịch Nhật Bản nằm trong top 10 thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng.
“Quốc hội cho phép Thành phố ban hành những chính sách đặc thù dành cho các nhà đầu tư chiến lược, như cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện tại thành phố…cùng nhiều chính sách ưu đãi mang tính đột phá khác. Đây là tiền đề để Đà Nẵng sớm trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin.
Bà Lâm Thị Thanh Phương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao cho biết, lũy kế đến ngày 20/5, Nhật Bản có 5.352 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 76,031 tỷ USD, đứng thứ 3/146 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), 64% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định tiếp tục và mở rộng hoạt động tại Việt Nam-đứng đầu khu vực châu Á và châu Đại Dương.
“Với tiềm năng, thế mạnh vượt trội và nền tảng hợp tác vững chắc sẵn có với Nhật Bản, Đà Nẵng sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều năm tới”, bà Lâm Thị Thanh Phương thông tin.
>>> Xem thêm: Thương hiệu nổi tiếng Châu Á – Thái Bình Dương 2024
Doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki khẳng định: Năm 2024 đánh dấu năm đầu tiên trong chặng đường 50 năm tiếp theo của mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam và điều quan trọng là phải cụ thể hóa các hoạt động hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực dựa trên nền tảng của mối quan hệ hiện đang tốt đẹp nhất giữa hai nước.
Tại TP. Đà Nẵng, ngoài các dự án đã được đầu tư, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin (CNTT). Điều này sẽ góp phần vào việc đạt được mục tiêu phát triển dài hạn của Đà Nẵng là trở thành trung tâm ở Đông Nam Á không chỉ về du lịch mà còn về lĩnh vực công nghệ cao và CNTT.
Cụ thể, Tập đoàn Pasona đã thành lập Trung tâm chuyển đổi số của Pasona tại Đà Nẵng với mục đích đào tạo kỹ sư trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI. Ngoài ra, công ty Lhotse có thành tích trong lĩnh vực sản xuất robot sử dụng cho thiết bị sản xuất chất bán dẫn, hiện đang đầu tư 15 tỷ yên vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng và dự kiến trở thành dự án đầu tư với quy mô lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng.
Để tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và CNTT, nguồn nhân lực có kỹ năng cao rất quan trọng. “Gần đây, nhiều lao động “nhân lực chất lượng cao” tập trung ở lĩnh vực công nghệ cao và CNTT đang được đào tạo ở Việt Nam, và hiện nay nguồn nhân lực của Việt Nam đang thu hút sự chú ý không chỉ từ các công ty Nhật Bản mà còn từ các công ty trên thế giới”, Đại sứ Ito Naoki đánh giá.
“Chúng tôi mong muốn sự hỗ trợ tích cực các hoạt động của chương trình “Sáng kiến chung Nhật-Việt”, một khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ hai nước và các doanh nghiệp đã được khởi động vào tháng 3 năm nay, với các nội dung là mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và CNTT cũng như phát triển nguồn nhân lực kỹ năng cao”, Đại sứ Ito Naoki cho biết thêm.
Nguồn: Báo chính phủ
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin Ngoisaodoanhnhan.vn. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbt.ngoisaodoanhnhan@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!