Bến Tre: Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô quý III/2024

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô quý III năm 2024.

Bến Tre: Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô quý III/2024 – Ảnh: VGP/Nhật Thy

Để triển khai thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm 2024, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân và doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đề nghị Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn,…

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư, thúc đẩy hợp tác công tư

Các sở, ban ngành tỉnh và các địa phương quán triệt, coi giải ngân đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; bám sát kế hoạch, mục tiêu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư, thúc đẩy hợp tác công tư. Đồng thời, giải ngân chi tiết từng dự án để tập trung chỉ đạo; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.

Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024; khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn ODA; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chậm tiến độ giao, thực hiện, giải ngân vốn, tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao làm chủ đầu tư khẩn trương rà soát tổng thể các vướng mắc trong việc giải ngân vốn, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để đề xuất giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch được giao. Đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch vốn mà không kịp thời báo cáo sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước

Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh cần quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử, hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất.

Tiếp tục triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội

Các ngành, các địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, tiếp tục triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội thực hiện nghiêm yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản dự toán chi thường xuyên đã giao cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong dự toán đầu năm nhưng đến hết ngày 30/6/2024 chưa triển khai thực hiện (trừ trường hợp đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh (đối với ngân sách cấp tỉnh), Chủ tịch UBND huyện/thành phố (đối với ngân sách huyện/thành phố) quyết định) theo các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 4001/UBND-TCĐT ngày 24/6/2024 của UBND tỉnh.

Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước

Các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương cần đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, phối hợp thực hiện nghiêm các quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu,… Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký kết.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương kịp thời có giải pháp quản lý, điều tiết, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, năng lượng và hàng hóa thiết yếu khác, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống. Thực hiện hiệu quả các chính sách đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài đến các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường phù hợp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp vận động thực hiện đúng quy định của pháp luật về khai thác hải sản, quản lý chặt phương tiện tàu thuyền, ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá trên địa bàn khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý II ước tăng 4,93%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,89%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,37%; khu vực dịch vụ tăng 4,9%. Ước 6 tháng năm 2024 GRDP tăng 4,96% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là điểm sáng để vực dậy toàn ngành kinh tế, cụ thể ước tăng 9,3%, đóng góp 1,92 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,96%, đóng góp 2,06 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,92 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,64%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Quy mô GRDP 6 tháng năm 2024 theo giá hiện hành là 34.861 tỷ đồng, trong đó: khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản là 11.875 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 34,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 6.962 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 19,97%; khu vực dịch vụ là 14.811 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 42,49%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 1.213 tỷ đồng chiếm tỉ trọng 3,48%.

Nguồn: Báo chính phủ

Rate this post
error: Content is protected !!