Đà Nẵng đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tại khu công nghiệp

Ngày 23/7, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm lắng nghe và giải quyết các vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị – Ảnh: VGP/Minh Trang

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển của Thành phố. 

Trong những năm qua các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và khu công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào tỉ trọng xuất nhập khẩu và thu nộp ngân sách cho Thành phố.

Ông Vũ Quang Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã cấp mới 3 dự án đầu tư; trong đó có 1 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký 1,5 triệu USD, 2 dự án trong nước vốn đầu tư 810 tỷ đồng; điều chỉnh 33 lượt dự án, trong đó có 3 lượt dự án trong nước tăng 717,38 tỷ đồng, 2 lượt dự án giảm 40 tỷ đồng và 4 dự án FDI tăng 12,56 triệu USD.

Lũy kế đến nay, đã thu hút 523 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1 và khu công nghiệp; trong đó có 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng; 124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Tổng thu nộp ngân sách các khu trong 6 tháng đầu năm: Nhập khẩu hơn 440 triệu USD, xuất khẩu hơn 607 triệu USD, số thuế đã nộp ngân sách hơn 1.218 tỷ đồng.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời doanh nghiệp – Ảnh: VGP/Minh Trang

Sớm giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho người lao động các KCN

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến 10 nhóm vấn đề gồm: Thuê đất, thuê lại đất; đầu tư; lao động và chính sách lao động; xây dựng, cơ sở hạ tầng; môi trường; an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy chữa cháy; thủ tục hành chính; hải quan; thuế và một số vấn đề liên quan khác.

Lãnh đạo Ban Quản lý cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của TP. Đà Nẵng cũng đã chia sẻ, trao đổi, giải đáp cởi mở và công khai đối với các vấn đề mà doanh nghiệp đưa ra.

Đối với những đề xuất, kiến nghị vượt thẩm quyền, Ban Quản lý đã tiếp thu, tổng hợp và báo cáo, trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, cho biết phần lớn doanh nghiệp trong Khu công nghiệp có số lượng người lao động nhập cư khá đông nên nhu cầu về nhà ở xã hội cao. Sau khi rà soát, thẩm định trình 8/9 đồ án quy hoạch phân khu, Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành liên quan đã rà soát bố trí 139 ha để phục vụ cho nhà ở xã hội. Đối với phân khu công nghệ cao, đã rà soát, bổ sung 19 ha.

“Đầu năm 2024, Thành phố đã chấp nhận dự án tại phường Hòa Hiệp Nam, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 1.700 căn hộ. Thành phố cũng đã có chủ trương cấp cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khu thiết chế nhà ở, văn hóa, thể thao trên địa bàn Hòa Hiệp Nam, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 700 căn hộ”, ông Hoàng cho hay.

Nhu cầu nhà ở xã hội cho người lao động nhập cư tại các KCN khá cao – Ảnh: VGP/Minh Trang

Ông Trần Văn Hoàng cũng thông tin thêm, theo Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, sẽ có thêm quy định mới là nhà lưu trú công nhân được phép xây dựng trên đất thương mại dịch vụ. Ông Hoàng đề nghị các doanh nghiệp cùng với Ban Quản lý xem xét lựa chọn các khu đất thương mại dịch vụ có thể làm cơ sở lưu trú cho công nhân để hỗ trợ nhà ở cho công nhân tốt hơn.

Nguồn: Báo chính phủ

Rate this post
error: Content is protected !!